Đợt tấn công Sevastopol lần thứ ba Chiến_dịch_Krym-Sevastopol_(1941-1942)

Pháo kích vào Sevastopol

Sau khi chiếm lại được bán đảo Kerch, tập đoàn quân 11 (Đức) đã có thể tập trung toàn bộ lực lượng cơ bản về Sevastopol. Cuộc tấn công Sevastopol của lục quân Đức được mở màn và yểm hộ bằng một loạt các tháp pháo kiên cố được xây dựng từ thời chiến tranh Nga-Thổ mà quân Đức đã chiếm được sau hai đợt tất công đầu tiên. Để phá huỷ các pháo đài trong thành phố quân Đức triển khai một loạt các khẩu siêu pháo. Trên chu vi dài 22 km quanh thành phố, quân Đức đã bố trí hơn 200 khẩu đội pháo binh hạng nặng. Ngoài các khẩu siêu pháo, người Đức còn chuẩn bị một số lượng lớn các khẩu pháo khác chuẩn bị cho việc oanh tạc Sevastopol. 3 trong số 6 khẩu cối hạng siêu nặng Mörser Karl cỡ nòng 600 ly được triển khai tại Krym vào tháng 2 năm 1942. Tập đoàn quân số 11 lần đầu tiên được trang bị khẩu siêu pháo Schwerer Gustav cỡ nòng 800 ly được đặt trên thân xe lửa.[39] Ngoài ra, pháo binh Đức còn sở hữu các khẩu siểu pháo khác gồm 6 khẩu Gamma có cỡ nòng 420 mm, 4 khẩu có cỡ nòng 210 mm, 2 khẩu có cỡ nòng 350 mm được giữ lại từ thời Chiến tranh thế giới thứ nhất.[40] Khẩu Schwerer Gustav (pháo hạng nặng Gustav) sau đó được triển khai tại tòa lâu đài cũ của Hãn quốc Krym tại Bakhchisarai và để vận hành nó, cần cả nghìn người. Khẩu siêu pháo Gustav không thật sự hữu dụng vì bắn chậm và vận hành phức tạp, nhưng ít nhất thì một phát đạn của nó có thể phá hủy một kho chứa đạn nằm sâu 90 feet (27 m) dưới lòng đất[41].

Một số lượng lớn đạn pháo đặc chủng có tổng trọng lượng hơn 1.000 tấn đã được bí mật vận chuyển từ Đức và bí mật cất trữ tại những kho đặc biệt được khoét vào trong khối núi đá. Các loại vũ khí bắt đầu hoạt động thử vào đầu tháng 6 và đã bắn tổng cộng khoảng 50 viên đạn trọng lượng 7 tấn/viên. Hỏa lực của các khẩu siêu pháo này tập trung chống lại các tháp pháo bọc thép BB-30 và BB-35, các kho đạn ngầm dưới lòng đất cũng như các kho đạn dược trong các khối núi đá. Các kho này thường được che khuất bởi những tảng đá hình vỏ trứng dày đến 30 m. Để công phá các ụ súng bằng gỗ đắp đất và các bunker bằng bê tông, các loại pháo cao xạ 88 mm, các loại pháo từ 20 mm đến 37 mm của máy bay và pháo gắn trên xe lửa bọc thép được đưa vào sử dụng rộng rãi.[42]

Ngày 21 tháng 5 năm 1942, phát xít Đức bắt đầu oanh tạc thành phố. Ngày 2 tháng 6, vượt qua hàng rào phòng không mỏng yếu của quân đội Liên Xô, toàn bộ lực lượng của Tập đoàn quân không quân 4 (Đức) do thượng tướng Wolfram von Richthofen chỉ huy được huy động để ném bom Sevastopol suốt 5 ngày trước khi cuộc tấn công bắt đầu. Cuối cùng ngày 7 tháng 6 nắm 1942, lục quân Đức mở một đợt tấn công mới vào phòng tuyến quân đội Liên Xô ở Sevastopol.

Chiến dịch "Bắt cá tầm"

Các tuyến phòng thủ của Liên Xô tại Sevastopol

Đợt tấn công cuối cùng của Von Manstein vào Sevastopol mang mật danh là "Chiến dịch Bắt cá tầm" (Unternehmen Störfang). Quân Đức đã tính toán sai lầm rằng các cảng biển ở khu vực vịnh Severnaia là tuyến tiếp viện cực kỳ quan trọng đối với lực lượng Hồng quân đồn trú trong thành phố Sevastopol, và chiếm được khu vực này thì họ sẽ dễ dàng đánh gục được sức kháng cự của Hồng quân mà không phải nhọc công thanh toán các ổ để kháng dữ dội trong thành phố. Nhận thấy một cuộc tấn công vào phía Nam, xuất phát từ khu vực ở cực Bắc sẽ gặp ít kháng cự hơn, Von Manstein quyết định tung phần lớn lực lượng của mình vào đây với Quân đoàn 54 (Đức) gồm 5 sư đoàn và các phương tiện tăng cường. Một đợt tấn công phối hợp khác theo hướng đông-tây sẽ do Quân đoàn 30 (Đức) gồm 3 sư đoàn đảm nhiệm với mục tiêu nhằm vào khu vực phía Nam của Sevastopol hòng ngăn không Hồng quân sử dụng vịnh Severnaia để chuyển quân củng cố cánh Bắc của mình. Mỗi sư đoàn Đức sẽ được một sư đoàn Romania với quân số ít hơn hỗ trợ. Tuy nhiên kế hoạch của Manstein bỏ qua một điều: Hồng quân biết rõ trước khi những trận sương mù mùa thu làm mờ mắt không quân Đức thì họ khó có thể nào tiếp viện một cách hiệu quả cho Sevastopol; vì vậy trước đó Hồng quân đã tích trữ một lượng lớn lương thảo và đạn dược. Việc chiếm đóng vịnh Severnaia hay toàn bộ khu vực bờ biển không ảnh hưởng nhiều đến sức chiến đấu của Hồng quân trong thời khoảng thời gian đó. Và quân Đức vẫn phải chiến đấu hết sức vất vả với các ổ để kháng của Hồng quân tại Sevastopol sau khi nó bị chiếm đóng. Cuộc chiến bảo vệ Sevastopol kéo dài hơn một tuần. Trải qua các trận đánh, một số tiểu đoàn Đức chỉ còn lại trung bình 25 người.

Tuyến phòng thủ phía ngoài của Hồng quân bị chọc thủng vào ngày 17 tháng 6 năm 1942. Tại hướng Nam, quân Đức đã chiếm được một vị trí được gọi là "Tổ đại bàng" và tiến đến chân núi Sapun. Tại hướng Bắc của pháo đài, quân Đức cũng chiếm được các điểm cao trên đỉnh núi Markenzi. Vào ngày này, một số tháp pháo và pháo đài đã bị phá huỷ, trong đó có vị trí Maxim Gorky - 1. Quân đoàn 54 (Đức) đã kiểm soát phần lớn khu vực bờ biển phía Bắc, tuy nhiên những ổ đề kháng của Hồng quân vẫn chiến đấu quyết liệt và cầm chân các lực lượng của quân đoàn 54 ở hai cánh và ở khu vực sau lưng của nó, trong khi đó đợt tấn công về phía Tây của quân đoàn số 30 cũng bị chặn đứng trước các phòng tuyến của Hồng quân Xô Viết tại "Tuyến Sapun" với các đường bắn trực chỉ chính xác về phía Nam vịnh Severnaia. Rõ ràng, Von Manstein đã đánh giá quá cao về tầm quan trọng của tuyến tiếp tế tại vịnh Severnaia đối với lực lượng Hồng quân tại Sevastopol. Vào đêm 28 tháng 6, Von Manstein lệnh cho quân Đức thực hiện một cuộc đổ bộ của lính thủy đánh bộ, vượt qua vịnh Severnaia nhằm đánh bọc sườn lực lượng Hồng quân đang phòng thủ tại tuyến Sapun. Tuy nhiên, vấn đề là các tàu chở quân của họ hoàn toàn không thích hợp với kiểu nhiệm vụ như thế này, còn pháo binh và không quân Đức không thể nào làm gì nổi trước hàng phòng thủ ngầm nằm sâu dưới lòng đất của Hồng quân tại bờ biển. Quân Đức tiến đánh rất ác liệt nhưng Hồng quân vẫn đứng vững cho đến khi trời tối, họ củng cố các vị trí phòng ngự của mình tại đó và gây ra nhiều thiệt hại lớn cho quân Đức. Bất chấp những thương vong mà quân Đức phải gánh chịu, Manstein quyết định ném thêm quân vào khu vực này và tiếp tục cuộc công kích.

Phòng tuyến bên trong bị chọc thủng

Khẩu hải pháo "Maxim Gorky" của Hồng quân sau khi bị bắn hỏng.

Tuy nhiên, sự thành công trong đột phá phòng thủ của quân đội Đức lại diễn ra ở một nơi khác. Ngày 26 tháng 6, ở đầu phía Bắc của phòng tuyến Sapun, quân đoàn 30 (được tăng cường bởi các đơn vị của quân đoàn 54) - vốn được Manstein giao nhiệm vụ đổ bộ lên dải đất hẹp nằm trên khu vực phía Nam bờ biển Severnaya - lại chính là đơn vị chọc thủng các tuyến phòng thủ của Hồng quân Xô Viết. Ngày 27 tháng 6, ở đầu phía Nam, bằng một hoạt động nghi binh làm như đánh vào trung tâm của phòng tuyến, lực lượng Đức và Romania cũng đã bất ngờ chọc thủng các tuyến phòng thủ của Hồng quân. Bất chấp việc phòng tuyến bị phá vỡ ở hai đầu, lực lượng Hồng quân ở tuyến Sapun vẫn tiếp tục bám trụ, có điều là đạn dược của họ đã gần cạn. Ngày 28 tháng 6 Tư lệnh tập đoàn quân độc lập duyên hải, tướng I. E. Petrov buộc phải hạ lệnh rút về phía Tây, tới mũi Khersones, nơi có nhiều đạn dược của quân đội Liên Xô được chôn ngầm dưới lòng đất. Petrov cũng dự định biến mũi Khersones thành nơi đứng chân cuối cùng của lực lượng Hồng quân tại Sevastopol. Quân Đức sau những nỗ lực đột phá tuyến Sapun đã kiệt sức và phải dừng lại để chấn chỉnh lực lượng. Vì vậy Hồng quân lợi dụng thời cơ này để củng cố phòng tuyến mới ở Khersones. Trong khi đó tướng Von Manstein hạ lệnh oanh kích dữ dội vào thành phố Sevastopol nhằm đè bẹp nốt những ổ đề kháng nằm trong thành phố. Tuy nhiên, những mục tiêu mà quân Đức oanh kích lại không có binh sĩ Hồng quân trú đóng (ngoại trừ một pháo đài gần bờ biển) và Petrov cho rằng ông có thể rảnh rỗi hơn nếu như quân Đức chỉ đơn thuần dùng pháo binh để hủy diệt thành phố.

Những ngày cuối cùng của trận Sevastopol

Cảng Sevastopol vào tháng 7/1942, sau trận đánh.

Khi nguy cơ Sevastopol bị quân Đức đánh chiếm đã cận kề, ngày 30 tháng 6, I. V. Stalin hạ lệnh cho I. E. Petrov, những cán bộ chỉ huy cao cấp của Hồng quân và những cán bộ, công chức của thành phố phải di tản ngay bằng tàu ngầm. Bản thân I. E. Petrov và phó đô đốc F. S. Oktyabrski là những người rời khỏi Sevastopol sau cùng.[43] Cuối cùng số phận của Sevastopol đã được định đoạt sau khi phòng tuyến tại cao điểm Inkerman thất thủ ngày 29 tháng 6 năm 1942. Trong trận Sevastopol, Hải quân Liên Xô bị thiệt mất tàu tuần dương hạng nhẹ Chervona Ukraina ("Ukraina Đỏ"), bốn tàu khu trục, bốn tàu chở hàng và các tàu ngầm С 32, Щ 214. Tuy nhiên, trong các ổ đề kháng bị cô lập, Hồng quân vẫn chiến đấu kiên cường chống lại quân xâm lược. Quân Đức phải phun khói và hơi độc vào các hầm ngầm để trục các chiến sĩ Hồng quân ra ngoài cho xe tăng và pháo binh tiêu diệt. Và mặc dù nhận được sự hỗ trợ mạnh từ không quân và pháo binh, người Đức đã phải mất nhiều ngày để hoàn toàn làm chủ Sevastopol. Đến ngày 4 tháng 7 thì mũi Khersones thất thủ. Nhận được tin chiến thắng, Hitler rất vui mừng, ông ta ban cho Manstein danh hiệu "người chinh phục Sevastopol" và phong hàm Thống chế quân đội Đức Quốc xã (Generalfeldmarschall) cho Manstein.

Có điều là, sau khi Sevastopol đã rơi vào tay quân Đức, lực lượng Hồng quân còn sống sót vẫn tiếp tục trú ẩn trong các hầm ngầm và tiếp tục cuộc chiến tranh du kích với quân Đức. Đến tận ngày 16 tháng 7, người Đức vẫn phải tiếp tục chiến đấu vất vả với các ổ đề kháng của Hồng quân cho đến tận cuối mùa thu cùng năm. Sau đó những người còn sống sót đã trốn vào núi, thành lập đội du kích Krym và vẫn tiếp tục chiến đấu.[44]

Kết quả

52540 binh sĩ Hồng quân đã được tặng thưởng huy chương vì sự nghiệp bảo vệ thành phố Sevastopol.

9 vạn Hồng quân đã bị bắt làm tù binh và hơn 18.000 tử trận cùng 5.000 người bị thương[6]. Các nguồn của Liên Xô cho rằng có 10 vạn 6 nghìn binh sĩ Hồng quân tham gia phòng thủ Sevastopol, và họ chỉ nhận thêm 3 nghìn quân tiếp viện. Trong khi đó đã có 25.157 người di tản khỏi thành phố, phần lớn là thương binh và các cán bộ cấp cao được lệnh di tản theo yêu cầu của đích thân I. V. Stalin. Theo dữ liệu chính thức của Liên Xô thì số tù binh không vượt quá con số 40.000 người và khoảng 11.000 người chết.[cần dẫn nguồn]

Các tài liệu Xô Viết nói rằng rất ít binh sĩ Hồng quân ở Sevastopol sống sót trước sự tàn sát của quân Đức; về phía mình thì Von Manstein ghi lại rằng binh sĩ Liên Xô thà để bị giết còn hơn là đầu hàng quân Đức. Ông ta cho rằng những hành động trên có nguyên do từ thái độ tàn nhẫn của các chính ủy và do "quan niệm về mạng sống con người ở các nước châu Á". Nhưng cũng phải tính đến một thực tế là, quân Đức đối xử vô cùng tàn bạo đối với các tù binh Xô Viết, vì vậy binh sĩ Hồng quân tất thảy thà chịu chết ngoài chiến trường còn hơn là sống trong cảnh địa ngục trần gian ở các trại tập trung Đức.[cần dẫn nguồn]

Theo Von Manstein thì quân Đức thiệt mất 24.000 người, một con số quá nhỏ. Tuy nhiên con số của Manstein đã không tính tới thương vong của binh sĩ người Romania (lực lượng đã tham gia rất tích cực trong những trận chiến ở Sevastopol), không tính số thương vong trong trận chiến ở bán đảo Kerch và không tính cả những thiệt hại của quân Đức khi họ phải "dọn dẹp" các ổ đề kháng ở mũi Khersones. Về phía Manstein, thắng lợi ở Sevastopol đã khiến ông ta được phong làm Thống chế, đồng thời Adolf Hitler cùng nhiều tướng lĩnh khác đã thật sự ấn tượng trước những thành quả của Manstein trong điều kiện chiến đấu hết sức khó khăn ở Krym và Sevastopol.

Tổng thiệt hại của cả Đức và Romania là 35,866 người trong đó Đức có 4,264 người chết, 21,626 bị thương và 277 mất tích.[6]

Nhưng phải thừa nhận là trận chiến ở Krym và Sevastopol kéo dài hơn người Đức dự tính rất nhiều[cần dẫn nguồn]. Tới mức mà lúc chiến dịch Blau mở màn, Cụm tập đoàn quân B phải tiến về StalingradCụm tập đoàn quân A tiến về dãy núi Kavkaz mà không nhận được sự hỗ trợ của Tập đoàn quân 11.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Krym-Sevastopol_(1941-1942) http://www.allworldwars.com/The%20History%20of%20M... http://www.oocities.com/weiwen_sg/main.html http://www.oocities.com/weiwen_sg/sieges.htm http://rus-sky.com/history/library/w/w08.htm http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec41.html http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec42.html http://ww2stats.com/cas_ger_var_all.html http://www.youtube.com/watch?v=dMxXjYsscQs&feature... http://lib.rus.ec/b/174627/read http://www.svetskirat.net/istorija/sevastopolj1941...